Cơ chế mới cho phong điện Việt Nam

quantriweb 13/10/2021

Theo Quyết định 39/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam vừa được Thủ tướng ký ban hành, mỗi kWh điện gió của các dự án trong đất liền giá mua sẽ tăng từ mức giá hiện hành 7, 8 cent, lên mức mới 8, 5 cent (tương đương 1.928 đồng) từ 1/11 tới.

Với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại thời điểm giao nhận là 9, 8 cent một kWh, khoảng 2.223 đồng.

Bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió và chi phí mua điện từ các dự án được tính toán, đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước thời điểm ban hành Quyết định 39, mức giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/11 cho tới khi hết thời hạn còn lại của hợp đồng mua bán điện đã ký. Các dự án điện gió áp dụng giá mua điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 1/11/2021.

Ngoài ra, Quyết định số 39 cũng sửa đổi về điều kiện khởi công xây dựng công trình điện gió. Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện: khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; có hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện; có đhỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

Giá điện gió (cả trên bờ và ngoài khơi) lâu nay bị các nhà đầu tư “chê” là quá thấp, khiến họ gặp khó khăn thu xếp vốn vay ngân hàng, lợi nhuận thấp.

Trong một văn bản Bộ Công Thương gửi Chính phủ cách đây một năm về đề xuất tăng giá điện gió, cơ quan này tính toán, trường hợp giá loại năng lượng tái tạo này tăng cũng không làm tăng đáng kể chi phí sản xuất điện của EVN, khoảng 0, 23 đồng một kWh vào năm 2019.

Dự kiến tổng công suất điện gió năm nay khoảng 456 MW và sẽ tăng lên 800 MW vào 2020. Bình Thuận, Ninh Thuận… là những địa phương được khuyến nghị phát triển điện gió trên bờ; còn Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh và Sóc Trăng… là nơi thích hợp phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo VnExpress.vn